Nhập Bồ Tát Hạnh - Nhẫn nhục

1. Tất cả những thiện hành như lễ Phật, bố thí,... đã được tích lũy trên ngàn kiếp đều bị phá hủy trong phút chốc vì giận dữ.

2. Không có điều ác nào bằng sân hận, không có điều lành nào bằng nhẫn nhục. Bởi thế ta nên nỗ lực bằng nhiều cách để tu hạnh nhẫn nhục.

3. Tâm ta sẽ không tịch tịnh nếu nuôi dưỡng những ý nghĩ hận thù. Ta sẽ không tìm thấy niềm vui hay hạnh phúc, phải mất ngủ và cảm thấy bất an.

4. Một người chủ nổi sân có thể bị giết bởi chính những người nhờ lòng tốt của ông ta mà có tài sản và hạnh phúc.

5. Vì ta giận dữ mà bạn bè thân quyến đâm chán; mặc dù ta bố thí rộng rãi, họ cũng không nương ta. Tóm lại, không ai sống hạnh phúc được khi ôm lòng sân hận.

6. Chính sự giận dữ - kẻ thù địch ấy - tạo nên những đau khổ như trên. Người nào tinh cần khắc phục giận dữ sẽ tìm thấy hạnh phúc trong đời hiện tại và những đời sau.

7. Được nuôi dưỡng bằng nỗi bất mãn do phải làm những việc ta không muốn, còn những gì ta muốn thì bị cản trở, sự thù hận tăng trưởng trong ta và cuối cùng hủy diệt ta.

8. Bởi thế ta nên trừ tiệt thức ăn nuôi dưỡng kẻ thù sân hận này, vì nó chỉ có làm hại ta mà thôi.

9. Dù bất cứ gì xảy đến cũng chớ để nó quấy động niềm hỉ lạc trong tâm ta. Ví dụ có bực tức ta cũng chẳng làm được điều mình mong mỏi, mà còn mất công đức.

10. Cần gì phải khổ sở về một sự việc nếu còn có biện pháp cứu vãn? Nhưng nếu không còn biện pháp nào nữa, thì đau khổ cũng đâu có ích gì?

11. Ta không muốn sự khổ đau, khinh miệt, lời thô ác khiếm nhã đến với bản thân và bằng hữu. Nhưng với kẻ thù thì ngược lại.

12. Trên đời hiếm hoi thay những nguyên nhân tạo nên hạnh phúc, nhưng nguyên nhân đem lại đau khổ thì rất nhiều. Nếu không có khổ đau, thì không có sự từ bỏ. Bởi thế này tâm ta ơi, ngươi hãy dũng cảm mà chịu khổ đi.

13. Nếu có một số người tu khổ hạnh và ngoại đạo Karnapa (Nam Ấn) vô cố chịu đựng những đau đớn xẻ cưa và nung đốt, thì tại sao ta không can đảm chịu khổ vì mục đích giải thoát?

14. Không có gì hoá ra dễ dàng nhờ tập quán. Bởi thế, nhờ dần quen với những hại nhỏ, ta có thể nhẫn chịu những hại lớn.
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang